Đóng

Tin tức

07/03/2018

XIN HỌC Ở MỸ

                                           XIN HỌC Ở MỸ

Luôn với mong muốn cho con cái có thể hưởng được một nền giáo dục tiên tiến, trong thời gian qua, tôi đã 4 lần vác đơn đi xin học trường công cho con. Xin chia sẻ một vài kinh nghiệm và thông tin để mọi người đọc chơi cho vui.

TRẺ NÀO ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG?
Tất cả các trẻ em từ 6-18 tuổi đang hiện diện trên đất Mỹ đều phải đến trường. Trường học PHẢI nhận các trẻ này vào học mà KHÔNG ĐƯỢC PHÉP hỏi về tư cách pháp nhân (legal status) của trẻ và gia đình trẻ. Đó là việc của chính quyền. Trong giờ học, nếu cảnh sát bắt gặp một trẻ không đến trường, nếu không có lý do chính đáng, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể bị phạt rất nặng.

NHẬP HỌC
Ở Mỹ, trẻ em có thể nhập học bất kỳ thời gian nào trong năm, nghĩa là không nhất thiết phải hoàn tất thủ tục nhập học trước ngày khai giảng và bắt đầu năm học vào ngày khai giảng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý. Nếu trẻ là học sinh cũ của trường và không đăng ký nhập học cho năm mới trong thời gian quy định thì học khu (school district, tương đương với Sở Giáo dục ở VN) sẽ gạch tên trẻ, và khi muốn đi học lại, trẻ phải nộp đơn xin và hoàn tất các thủ tục khác lại từ đầu như người mới chuyển đến.

THỜI GIAN HỌC
Mỗi năm học ở Mỹ kéo dài 9 tháng, chia làm 3 học kỳ: Thu, Đông và Xuân, mỗi học kỳ 9 tuần. 3 tháng còn lại, học sinh nghỉ Hè. Giữa các học kỳ và trong các ngày lễ học sinh cũng được nghỉ. Kỳ nghỉ dài thứ hai (sau nghỉ Hè) là kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới (khoảng 2-3 tuần). Năm học khai giảng vào khoảng tháng Tám hoặc Chín, kết thúc khoảng tháng Năm hoặc Sáu, tùy mỗi bang và mỗi học khu, chủ yếu là do điều kiện thời tiết khác nhau ở mỗi nơi.
Giờ học ở các cấp lớp không giống nhau, nhưng dao động từ 7:15 sáng đến 3:30 chiều. Học sinh cấp Tiểu học sẽ bắt đầu ngày học trễ hơn và cũng kết thúc buổi học trễ hơn học sinh các cấp trên.
Buổi chiều, khi xe bus đưa học sinh về, nhà phải có người lớn trông trẻ. Từ 14 tuổi, học sinh có thể ở nhà một mình không cần người trông và mỗi học sinh 14 tuổi trở lên có thể trông một em nhỏ hơn trong thời gian cha mẹ vắng nhà. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không để trẻ em ở nhà qua đêm mà không có người lớn trông coi. Nếu hàng xóm phát hiện trẻ em ở nhà qua đêm một mình, họ có thể gọi cảnh sát và cha mẹ hoặc người giám hộ có thể gặp rắc rối.

CÁC CẤP HỌC
Trẻ ở Mỹ vào lớp Một năm 6 tuổi. Trước đó trẻ sẽ học Mẫu giáo (Kindergarten) năm 5 tuổi và Mầm non (Pre-K) năm 4 tuổi. Trẻ từ 3 tuổi trở về trước không bắt buộc phải đi học nhưng nếu không có người trông coi, phụ huynh có thể gửi trẻ vào các nhóm giữ trẻ (Daycare).
Từ 6-10 tuổi, trẻ phải hoàn thành cấp Tiểu học cho năm lớp đầu tiên. Cấp Trung học cơ sở (Middle School hay Junior High School) từ lớp Sáu đến lớp Tám (11-13 tuổi), và cấp Trung học Phổ thông (High School hay Senior High School) kéo dài bốn lớp từ Chín đến Mười Hai (14-17 tuổi).
Từ năm 14 tuổi, trẻ có thể nghỉ học. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều bang bắt buộc trẻ phải học hết bậc Trung học Phổ thông.
Sau Trung học Phổ thông, học sinh có thể theo học Cao đẳng hay Đại học cho các chuyên ngành. Sau Đại học, học sinh có thể học nâng cao lên Thạc sỹ, rồi Tiến sỹ hoặc Hậu Tiến sỹ.

ĐĂNG KÝ NHẬP HỌC
Nhìn chung, việc đăng ký nhập học ở Mỹ không quá phức tạp. Tuy vậy, để được nhập học, gia đình cũng cần phải hoàn thành những thủ tục bắt buộc.
– Bước đầu tiên gia đình cần làm là đăng ký cho con đi học. Trường học của trẻ sẽ được xác định theo khu vực nơi trẻ cư ngụ dựa trên mã bưu chính (zip code). Phụ huynh có thể chọn đăng ký học cho trẻ bằng cách gửi đơn qua bưu điện, trực tiếp đem đơn đến trường hoặc học khu, hay điền đơn trực tuyến trên trang web của học khu. Lưu ý: trẻ có được nhận vào học ở một trường nào đó hay không không do trường quyết định mà phải do học khu (hoặc một tổ chức khác có thẩm quyền, ví dụ như International Newcomers Center ở Georgia) xem xét. Do vậy, dù phụ huynh có đến trực tiếp trường để đăng ký nhập học cho con thì trường cũng phải chuyển hồ sơ đó lên học khu để duyệt. Chỉ khi nào có sự đồng ý của học khu, trường mới được nhận học sinh đó.
– Tiếp theo, phụ huynh cần phải nộp một số giấy tờ bắt buộc:
1. Bằng chứng cư ngụ (proof of residency)
Thông thường, phụ huynh sẽ được yêu cầu nộp một hoặc vài hóa đơn các tiện ích thiết yếu (utilities bill) như hoá đơn gas, điện, nước, internet… có tên mình trên đó. Nếu đi thuê nhà thì nộp Hợp đồng thuê nhà và hóa đơn tiện ích của chủ nhà. Một số nơi yêu cầu gia đình nộp thêm một số giấy tờ khác như sao kê ngân hàng, thư từ, ..
2. Hồ sơ chủng ngừa (immunization record / shot record)
Đây là giấy tờ quan trọng nhất khi xin học cho trẻ. Bất kỳ học khu nào, dù có thủ tục nhập học dễ dàng đến đâu, vẫn không chấp nhận cho trẻ vào học nếu không có được hồ sơ chủng ngừa của trẻ (nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ và cho các học sinh khác). Ở mỗi cấp lớp, trẻ được yêu cầu một số mũi chủng ngừa nhất định. Nếu có bảo hiểm y tế, ở một số nơi, gia đình sẽ không phải trả tiền cho việc chủng ngừa cho trẻ.
3. Học bạ (school record)
Đây không phải là loại giấy tờ quan trọng cho việc đăng ký nhập học. Nếu là học sinh chuyển từ nơi khác tới, trường mới sẽ tự động gửi yêu cầu về trường cũ để lấy học bạ của trẻ. Nếu trẻ mới xin học ở Mỹ, chỉ cần dịch học bạ cũ rồi nộp cho trường. Thậm chí, trẻ có mất học bạ cũ cũng không sao. Nếu cần, trường sẽ kiểm tra tiếng Anh đầu vào của trẻ để xếp lớp học tiếng Anh cho phù hợp. Các môn học khác sẽ được tiếp tục ở cấp lớp tiếp theo.
4. Khai sinh
5. Giấy tờ khác
Ngoài những giấy tờ có thể xem là bắt buộc ở tất cả các học khu trên đất Mỹ nói trên thì mỗi học khu sẽ có những yêu cầu khác nhau về thủ tục. Ngoài ra, bản thân trẻ và gia đình cũng có thể tự nộp thêm các chứng chỉ hay bằng cấp khác, ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật, điểm thi SAT, …. nếu muốn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phụ huynh không bao giờ được yêu cầu nộp các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp trong tình trạng nhập cư (immigration status) của mình hay của trẻ (đối với người nhập cư) vì đây là việc làm phạm luật; do vậy, hiện có rất nhiều người không có giấy tờ hợp pháp sống trên đất Mỹ nhưng con cái của họ vẫn được đi học đàng hoàng.

ĐIỂM CỦA TRƯỜNG
Ở Mỹ, vẫn đang tồn tại việc các trường công được cho điểm (cao nhất là 10). Trường được chấm điểm bởi nhiều tổ chức và điểm số của các tổ chức này cho một trường cũng không giống nhau, dựa trên các tiêu chí riêng của họ. Tính chính thức của các điểm số này cũng khá mơ hồ; nhưng theo một số người (trong lúc trà dư tửu hậu), một trường được chấm điểm cao dựa vào các tiêu chí sau đây:
– Số lượng gia đình người Mỹ da trắng ở khu vực trường tọa lạc
– Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh trường
– Số lượng ‘sao’ (star) mà trường được thưởng
– Giá trị nhà trong khu vực trường tọa lạc (chắc do vậy mà trang Zillow.com, một trang web nổi tiếng khắp nước Mỹ về môi giới nhà đất cũng tham gia chấm điểm trường)
– …
(Xin được lưu ý: phần này chỉ là ghi chép từ lời kể của nhiều người và chỉ nhằm mục đích thông tin, không được trích dẫn từ một nguồn chính thức nào cả).
Nhưng nói gì thì nói, về mặt tâm lý, rất nhiều người (đặc biệt là người Việt) chọn trường có điểm cao cho con em mình theo học cho dù trẻ có khả năng theo hay không.

“CHẠY TRƯỜNG”
Ở Mỹ chắc không có cảnh chạy trường như ở ta rồi, kiểu như xô sập tường rào để nộp hồ sơ, hay trả nhiều tiền cho con nhập hộ khẩu vào nhà CAKV gần trường để dễ xin, hoặc dùng tiền để mua chỗ ở PGD,… Tuy nhiên, do tâm lý thích trường điểm cao (mặc dù không biết điểm đó từ đâu ra), nên nhiều người vẫn ‘chạy trường’. Cụ thể, nếu muốn cho con em mình học một trường nào đó, phụ huynh sẽ mượn địa chỉ của nhà một người quen nằm trong khu vực được quy định học tại trường đó để xin học. Chuyện như vậy diễn ra khá phổ biến ở Mỹ. Cũng chưa thấy ai nói đó là hợp pháp hay không, nhưng hồ sơ xin học hợp lệ là được. Cũng chưa thấy có ai phải trả tiền cho việc ‘chạy trường’ này cả nên việc này ngày càng được xem là ‘nhẹ tựa lông hồng’ và là ‘chuyện thường ngày ở huyện’.

HỌC PHÍ
Trẻ học trường công ở các bậc Tiểu học và Phổ thông sẽ không phải trả học phí vì chính quyền liên bang và tiểu bang sẽ quản lý và cung cấp tài chính cho các bậc học này. Các bậc học sau Phổ thông được điều hành tách biệt và học viên sẽ phải trả học phí. Ngoài ra, trẻ học Daycare, mầm non hay mẫu giáo cũng phải trả học phí (khá nhiều); do vậy, những gia đình không dư giả, khi có con nhỏ, thường phải sắp xếp người trông coi trẻ cho đến khi trẻ vào lớp Một để tránh chi tiêu quá nhiều cho việc trông trẻ.

HỌC BỔNG
Bình thường, học sinh phổ thông không có học bổng vì đã được học miễn phí, trừ những trường hợp học sinh có thành tựu gì đặc biệt. Sau bậc phổ thông, học sinh có thể xin học bổng của trường hoặc của các quỹ học bổng. Học bổng được trao cho học sinh dựa nhiều vào điểm trung bình (GPA) của các năm cấp III và điểm bài thi SAT. Do vậy, hầu hết học sinh cấp III ở Mỹ luôn được yêu cầu phải thi lấy điểm SAT làm điều kiện để được xét vào Đại học và nhận học bổng. Ngoài hai loại điểm này, nhiều trường Đại học còn xét thành tích hoạt động ngoại khóa của học sinh nữa.

NGÔN NGỮ
Dĩ nhiên, ngôn ngữ chính được sử dụng trong nhà trường vẫn là tiếng Anh. Tuy nhiên, ở các bang có đông người nhập cư, phụ huynh sẽ có cơ hội được chọn ngôn ngữ để giao tiếp với nhà trường (thư từ, thông tin, hội họp,…) như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Ả rập, …. Việc làm này nhằm đảm bảo phụ huynh nắm được đầy đủ thông tin học hành của con em mình cũng như thông tin về các hoạt động trong học khu.
Những gia đình nhập cư có trẻ nhỏ sắp vào học trường Mỹ thường lo sợ trẻ không đủ tiếng Anh để theo học. Nắm bắt được khó khăn này, nếu thấy cần thiết, nhà trường luôn sắp xếp cho trẻ tham gia các lớp tiếng Anh như một ngoại ngữ (ESL), thậm chí có nơi còn sắp xếp giáo viên dạy một kèm một, tất cả đều miễn phí, nhằm giúp trẻ cải thiện tiếng Anh một cách nhanh nhất có thể để theo kịp các bạn.
Học sinh cấp Phổ thông Trung học thường được yêu cầu học thêm một ngoại ngữ, gồm các tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật,… và ở Houston, có trường còn cho học sinh lấy tín chỉ môn tiếng Việt như một ngoại ngữ nữa.

CÁC MÔN HỌC
Học sinh sẽ phải học các môn bắt buộc và tự chọn. Một số môn bắt buộc gồm có Toán, Địa lý, Khoa học, Reading, Xã hội học (Social Studies), ….. Các môn tự chọn có thể kể đến tin học, thể thao, ngoại ngữ, âm nhạc, nghệ thuật,….Ngoài ra, trẻ còn được khuyến khích tham gia các câu lạc bộ hoặc đội nhóm (như dàn đồng ca ở trường cấp II, cấp III Batesville, bang Arkansas). Với việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, trẻ có thể được cộng thêm điểm, đồng thời học bạ sẽ được ghi tốt, rất có lợi cho việc xin học Đại học sau này.
Bên cạnh việc học ở trường, trẻ còn được yêu cầu đọc rất nhiều sách và làm bài tập ở nhà. Giáo dục Mỹ vô cùng xem trọng việc đọc sách của trẻ. Họ cho rằng, kiến thức trẻ có được qua sách còn nhiều hơn kiến thức học được ở trường; do vậy, một số trường còn cho điểm trên số lượng sách học sinh phải đọc trong một năm học. Các môn học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ (kể các môn tự nhiên như Toán, Địa lý,..) cũng luôn tìm mọi cách mang đến cho trẻ nhiều kiến thức phổ thông, sát với cuộc sống, để trẻ khỏi bỡ ngỡ khi vào đời lúc trưởng thành.

GIÁO TRÌNH
Hệ thống giáo dục Mỹ không có giáo trình chung. Thay vào đó, họ chỉ lập ra một kế hoạch đào tạo cụ thể (những kiến thức phải được dạy trong mỗi cấp lớp) và mỗi trường, thậm chí mỗi giáo viên, có thể chọn giáo trình phù hợp để dạy học trò. Sách vở ở đây vô cùng đa dạng và phong phú nên học sinh và cả phụ huynh luôn cảm thấy có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức mới.

CÁC TRỢ GIÚP
Nếu trẻ (và cả gia đình trẻ) cần trợ giúp từ phía nhà trường hoặc học khu, họ luôn sẵn sàng. Ở một số trường, mỗi trẻ được cho mượn một chromebook để học và làm bài tập ở nhà. Thư viện luôn cập nhật sách mới để học sinh mượn đọc.
Nếu là gia đình có thu nhập thấp, trẻ được miễn phí tiền ăn sáng và trưa. Trong thời gian nghỉ Hè, trẻ cũng có thể đến trường lấy các suất ăn của mình (thức ăn, trái cây, sữa). Thậm chí, một số học khu còn cung cấp thực phẩm miễn phí cho cả gia đình trẻ nữa. Đặc biệt, trong thời gian trẻ phải ở nhà do dịch Covid-19, không chỉ có trường, rất nhiều tổ chức quyên góp tiền để mua thức ăn phát miễn phí tận cửa nhà cho trẻ và người thân.

Nói tóm lại, giáo dục ở Mỹ luôn tạo mọi điều kiện để trẻ em có thể được hưởng một nền giáo dục tốt nhất trong môi trường an toàn nhất và với điều kiện đầy đủ nhất.

– TÀI LIỆU TỰ BIÊN SOẠN CỦA TTNN DHSP CHI NHÁNH 3 –

XIN HỌC Ở MỸ
5 (100%) 1 vote